Lịch sử Krông Pa

Trước năm 1945

Trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên, vùng trũng Krông Pa với những người Jrai là chủ nhân của nó đã từng thuộc vương quốc Champa, dấu vết hiện còn lại là phế tích của tháp Chăm mà người dân địa phương gọi là Bang Keng ở Krông Năng.

Sau cuộc chinh phục Vương quốc Champa năm 1471, Lê Thánh Tông gọi cả vùng đất phía tây Nam Trung Bộ là Nam Bàn, nhưng trên thực tế, cả vùng đất Tây Nguyên nói chung, Krông Pa hiện nay nói riêng vẫn là nơi cư trú của các dân tộc có tổ chức xã hội phổ biến là các làng độc lập, riêng vùng Krông Pa, trước thế kỷ XX đã có một tổ chức xã hội cao hơn làng, chi phối một vùng tương đối rộng lớn gọi là Tơring (tring).

Đầu thế kỷ XX, nói riêng, Tây Nguyên nói chung thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Từ năm 1904-1907, phần đất Cheo Reo thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày ngày 4 tháng 7 năm 1905, tách toàn bộ vùng núi phía tây tỉnh Bình Định, Phú Yên trong đó có Krông Pa để lập thành tỉnh Pleiku Đer.

Gần hai năm sau đó, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 25/4/1907 bãi bỏ tỉnh Pleiku Đer. Vùng đất của tỉnh Pleiku Đer từ đây được chia làm hai: một phần thuộc đại lý hành chính Kon Tum (bao gồm cả Pleiku) và sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định, đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định. Phần còn lại, lập đại lý hành chính Cheo Reo, sáp nhập vào tỉnh Phú Yên, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Phú Yên.

Ngày 9 tháng 2 năm 1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 215 thành lập tỉnh Công Tum (Kon Tum). Địa giới của tỉnh Kon Tum bao gồm: đại lý hành chính Cheo Reo (trong đó có Krông Pa) tách ra khỏi tỉnh Phú Yên, đại lý Kon Tum tách ra khỏi tỉnh Bình Định (tức là toàn bộ tỉnh Pleiku Đer cũ) và đại lý Đăk Lăk (nguyên là tỉnh Đăk Lăk nhưng đến nghị định này lại đổi thành đại lý).

Ngày 2 tháng 7 năm 1923, Pháp lại tách đại lý Đăk Lăk ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 24 tháng 5 năm 1925, đại lý hành chính Pleiku được thành lập dưới sự cai quản của Công sứ Kon Tum.

Ngày 24 tháng 5 năm 1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía nam tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo để lập tỉnh Pleiku.

Như vậy, cho đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Cheo Reo là 1 trong 5 huyện, thị của tỉnh Pleiku. Khu vực thuộc vùng đất phía đông của huyện Cheo Reo (Krông Pa ngày nay), có tên gọi là Mlah.

Giai đoạn (1946-1954)

Ngày 25 tháng 6 năm 1946, Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn giữ nguyên tên tỉnh là Pleiku.

Về phía chính quyền cách mạng: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đổi tên tỉnh là Gia Lai. Huyện Cheo Reo trực thuộc Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh này. Từ tháng 3 năm 1946, Cheo Reo thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động Quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ.

Ngày 6 tháng 11 năm 1947, theo Quyết định số 51/TB-NĐ của Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, Cheo Reo được tách ra khỏi Gia Lai và giao cho Phân ban liên lạc hành chính Tây Nguyên, trực thuộc Khu 15.

Đến tháng 8 năm 1948, Đại diện Chính phủ tại miền Nam Trung bộ ra Quyết định số 203- ĐD/CP, đặt Cheo Reo dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 30 tháng 5 năm 1953, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ ra Nghị định số 477-MN/TOC, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đak Lak là Đông Cheo Reo (huyện H2, nay là huyện Krông Pa) gồm các xã phía đông và phía bắc sông Ba và Tây Cheo Reo (H3) gồm các xã phía tây sông Ba.

Giai đoạn (1954-1975)

Về phía chính quyền Sài Gòn

Theo Nghị định 549 ngày 3 tháng 10 năm 1958, quận Cheo Reo gồm 10 tổng, 2 xã và là một trong 4 quận của tỉnh Pleiku.

Đến ngày 22 tháng 12 năm 1959, theo Nghị định 1746 của chính quyền Sài Gòn, quận Cheo Reo gồm 6 tổng, 19 xã.

Ngày 1 tháng 9 năm 1962, Sắc lệnh số 186 của chính quyền Sài Gòn tách một phần đất phía nam của tỉnh Pleiku (thuộc Cheo Reo), cùng với một phần phía bắc tỉnh Đak Lak (huyện Thuần Mẫn) thành lập tỉnh Phú Bổn. Tỉnh này gồm các quận: Phú Túc (còn gọi là quận Mlah), nay là địa bàn huyện Krông Pa; Phú Thiện (nay thuộc thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa), huyện Thuần Mẫn (nay thuộc huyện Ea H’Leo tỉnh Đak Lak) và thị xã Hậu Bổn (thị trấn Cheo Reo cũ). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn. Tỉnh Phú Bổn về địa giới không thay đổi cho đến tháng 3 năm 1975.

Như vậy là từ năm 1962 cho đến ngày giải phóng (tháng 3 năm 1975), huyện Krông Pa hiện nay mang tên quận Phú Túc, thuộc tỉnh Phú Bổn. Quận Phú Túc được chia làm hai tổng: Tổng Phú Mỹ và tổng Đức Bính gồm 13 xã.

Về phía chính quyền cách mạng

Cả vùng Cheo Reo trong thời kỳ kháng chiến (gồm cả khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay) vẫn thuộc tỉnh Đak Lak. Toàn bộ vùng này gồm 2 huyện: huyện Đông Cheo Reo được gọi là H2 và huyện Tây Cheo Reo gọi là H3. Đầu năm 1960, theo quyết định của Liên khu uỷ V, tỉnh Đak Lak được chia thành bốn đơn vị riêng là B3, B4, B5 và B6 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh IV và Liên khu uỷ V. Huyện H2 thuộc B3 (bắc tỉnh Đak Lak), có ranh giới từ đèo Tô Na trở xuống, dọc theo đường 7 giáp đến huyện MaĐrak, bao cả vùng Plei Pa, buôn Broăi, xã Ia Tul, nay thuộc huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai.

Tháng 8 năm 1960, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đak Lak lần thứ nhất hợp nhất hai huyện H2 và huyện MĐrak (A1) thành liên huyện A10. Đến cuối năm 1961 lại tách ra như cũ.

Năm 1962, để tăng cường sự chỉ đạo sát với phong trào, tỉnh Đăk Lăk tách vùng ven thị xã Hậu Bổn thành lập huyện 7 (H7).

Tháng 11 năm 1971, tỉnh Gia Lai cắt một phần phía nam Khu 7 giáp phía bắc sông Ayun và vùng giáp huyện H2 và H3 của tỉnh Đak Lak lập Khu 11.

Năm 1973, huyện H7 được sáp nhập với H3 thành H37 thuộc tỉnh Đak Lak. Tháng 12 năm 1973, H2 được đổi tên thành huyện Sông Ba, theo tên của con sông chảy dọc địa phận của huyện.

Từ 1975 đến nay

Sau ngày miền hoàn toàn giải phóng 1975, tỉnh Đak Lak tổ chức lại các huyện. Tháng 7 năm 1975, huyện Sông Ba được sáp nhập với huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và vùng Tây Cheo Reo) thành huyện Cheo Reo, thuộc tỉnh Đak Lak. Huyện lúc đó là một phần của huyện Cheo Reo.

Tháng 1 năm 1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đak Lak được chuyển giao về tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngày 15 tháng 1 năm 1976, Hội nghị Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh, thống nhất địa giới hành chính và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện Cheo Reo được sáp nhập với Khu 11 thành huyện mới có tên là AyunPa.

Ngày 23 tháng 4 năm 1979, theo Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính phủ, huyện AyunPa được chia tách thành hai huyện AyunPa và Krông Pa.

Huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách từ phần đất phía đông của huyện Ayun Pa. Sau khi thành lập, địa giới hành chính của huyện Krông Pa từ đèo Tô Na xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Dréh và Krông Năng.

Ngày 17 tháng 8 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 30- HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Huyện Krông Pa có sự thay đổi địa giới một số xã, như sau:

  • Chia xã Ia Rmok chia thành xã Ia Rmok và Phú Cần
  • Chia xã Đất Bằng chia thành xã Đất Bằng và Ia Mlah
  • Chia xã Chư Drăng chia thành xã Chư Drăng và Chư Gu
  • Chia xã Ia Rsai chia thành xã Ia Rsai và Ia Siơm.

Ngày 13 tháng 1 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03/HĐBT. Theo đó:

  • Chia xã Phú Cần thành 3 đơn vị hành chính lấy tên là xã Phú Cần, xã Chư Ngọc và thị trấn Phú Túc
  • Chia xã Ia Rsai thành 2 xã lấy tên là xã Ia Rsai và xã Chư Rcăm
  • Chia xã Ia Rsươm thành 2 xã lấy tên là xã Ia Rsươm và xã Uar.

Huyện Krông Pa có 1 thị trấn và 13 xã như hiện nay.